Vai trò của lợi khuẩn probiotics với hệ tiêu hoá và sức khoẻ

Lợi khuẩn Probiotic là một loại lợi khuẩn thuộc nhóm các vi khuẩn sống và là những vi sinh vật sống, chủ yếu đây là vi khuẩn, tương tự các vi sinh vật có lợi tự nhiên được tìm thấy trong ruột. Chúng còn được gọi là "vi khuẩn thân thiện" hay "vi khuẩn có lợi" (vi khuẩn có lợi cho con người), những vi khuẩn này được bổ sung vào chế độ ăn nhằm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột để cải thiện sức khỏe. Đây là những vi sinh vật còn sống khi đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi cho sức khỏe của chúng ta.

Theo nghĩa gốc, "biotic" hay "biosis" từ chữ "life" là đời sống, và "pro" là thân thiện, nên probiotic có thể hiểu theo nghĩa cái gì thân thiện với đời sống con người. Hiểu sát nghĩa hơn, đó là chất bổ sung dinh dưỡng chứa những vi khuẩn hay vi nấm có ích. Theo định nghĩa của Tổ chức lương nông thế giới (FAO) hay Tổ chức y tế thế giới (WHO), probiotic là những vi sinh vật còn sống khi đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi cho sức khỏe của ký chủ.

Vi khuẩn lành mạnh này là một phần của hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Trong ruột, chúng phá vỡ các thực phẩm con người ăn vào để cung cấp một nguồn năng lượng cho các tế bào trong ruột. Probiotic được tìm thấy trong thực phẩm và cả các chất bổ sung (probiotic có thể là tự nhiên hoặc đã được thêm vào trong giai đoạn chế biến). Các thực phẩm này gồm sữa chua, đồ uống từ sữa chua, sữa lên men và chưa lên men, đậu tương lên men và một số nước hoa quả, đồ uống đậu nành.

Vai trò của probiotic

1. Tác động kháng khuẩn
Giảm số lượng vi khuẩn để ngăn chặn các mầm bệnh cụ thể là:
Tiết ra các chất kháng khuẩn: Vi khuẩn Probiotic tạo ra các chất đa dạng có thể ức chế cả khuẩn Gram (+) và Gram (-), gồm có các acid hữu cơ, hydrogen peroxide và chất diệt khuẩn. Những hợp chất này có thể làm giảm không chỉ những sinh vật mang mầm bệnh có thể sống được mà còn ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của vi khuẩn và sự tạo ra các độc tố. Điều này được thực hiện bằng cách giảm pH khoang ruột thông qua sự tạo ra các acid beo chuỗi ngắn dễ bay hơi, chủ yếu là acetate, propionate, và butyrate, nhất là acid lactic.
Cạnh tranh với các nguồn bệnh để ngăn chặn sự bám dinh vào đường ruột và cạnh tranh dinh dưỡng cần thiết cho sự sống sót của mầm bệnh.

2. Tác động trên mô biểu bì ruột
Đẩy mạnh sự liên kết chặt giữa những tế bào biểu mô.
Giảm việc kích thích bài tiết và những hậu quả do bị viêm của sự lây nhiễm vi khuẩn.
Đẩy mạnh sự tạo ra các phân tử phòng vệ như chất nhầy.

3. Tác động miễn dịch
Probiotic được xem như là phương tiện phân phát các phân tử kháng viêm cho đường ruột. Cụ thể:
Đẩy mạnh sự báo hiệu cho tế bào chủ để làm giảm đáp ứng viêm.
Tạo đáp ứng miễn dịch để làm giảm dị ứng.
Cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa tiêu chảy và táo bón[4].

4. Tác động đến vi khuẩn đường ruột
Điều chỉnh thành phần cấu tạo của vi khuẩn đường ruột. Sự sống sót của probiotic được tiêu hóa ở những phần khác nhau của bộ phận tiêu hóa thì khác nhau giữa các giống. Khi tập trung ở khoang ruột, chúng tạo nên sự cân bằng tạm thời của hệ sinh thái đường ruột, sự thay đổi này được nhận thấy một vài ngày sau khi bắt đầu tiêu thụ thực phẩm có probiotic, phụ thuộc vào công dụng và liều lượng của giống vi khuẩn. Kết quả chỉ ra rằng với sự tiêu thụ thường xuyên, vi khuẩn định cư một cách tạm thời trong ruột, một khi chấm dứt sự tiêu thụ thì số lượng vi sinh vật probiotic sẽ giảm xuống. Điều này thì đúng cho tất cả các loại probiotic.
Vi khuẩn probiotic điều hòa hoạt động trao đổi chất của sinh vật đường ruột. Probiotic có thể làm giảm pH của bộ phận tiêu hóa và có thể theo cách đó sẽ gây cản trở cho hoạt động tiết ra enzyme của sinh vật đường ruột. Đồng thời tăng sự dung nạp đường lactose: giúp tránh khỏi tình trạng đầy hơi, khó tiêu khi hấp thu những loại thức ăn có chứa nhiều lactose và làm tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn gây hại.

5. Một số vai trò khác đối với cơ thể
Chống dị ứng: thực phẩm probiotic góp phần chống lại một số dị ứng của cơ thể, cung cấp nhiều chất quan trọng cho cơ thể như (folic acid, niacin, riboflavin, vitamin B6 và B12).

Chống ung thư: nhiều nghiên cứu cho thấy các vi khuẩn probiotic có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết và ung thư bàng quang. Ngoài ra còn có tác dụng khử chất độc gây ung thư có trong cơ thể và làm chậm sự phát triển của các khối u bướu.

Probiotic có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh, làm giảm huyết áp cao. Ngoài ra còn giúp nhanh chóng bình phục sau khi mắc bệnh tiêu chảy và sử dụng nhiều kháng sinh.

Cơ chế tác dụng của Probiotics

Để hiểu được về lý do tại sao probiotics lại có tác dụng đối với sức khỏe, trước hết phải hiểu về sinh lý, vi sinh vật đường dạ dày- ruột và quá trình tiêu hóa. Quá trình tiêu hóa bắt đầu ngay lập tức khi thức ăn đi vào miệng rồi tới dạ dày; còn vi sinh vật đường dạ dày- ruột (gastrointestine- GI) có thể là có lợi, có hại và trung tính.

Vi sinh vật trong ruột non và ruột già hoàn thành nốt quá trình tiêu hóa. Một số vi sinh vật có khả năng sản xuất vitamin và chúng là vi khuẩn có ích. Sự trao đổi chất của chúng không phải là quá trình làm thối rữa, sự có mặt của chúng liên hệ mật thiết với hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Việc duy trì ổn định hệ vi khuẩn đường ruột có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Vai trò chính của hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh là: ngăn cản sự thâm nhập và phát triển vi sinh vật gây bệnh, tăng sức đề kháng tự nhiên với các bệnh truyền nhiễm của đường tiêu hóa. Những sản phẩm của quá trình trao đổi chất (axit lactic, axit acetic và các axit béo mạch ngắn dễ bay hơi) có tác dụng giảm pH đường ruột, do vậy tạo điều kiện không thuận lợi cho vi khuẩn gây hại. Probiotics còn có vai trò bảo vệ chất nhầy đường ruột nhờ sự tổng hợp và tiết ra các peptit có tính kháng khuẩn, mucins, do đó ngăn chặn sự bám dính của vi sinh vật gây bệnh với biểu bì ruột.

Đường dạ dày- ruột có bề mặt lớn phủ chất nhày, đóng vai trò là cầu nối giữa “nội cơ thể” và “ngoại cơ thể”. Nhưng vi sinh vật cư trú bình thường trong đường dạ dày- ruột làm tăng cường vai trò cản lọc của đường dạ dày- ruột, làm giảm sự di chuyển đến bề mặt đường dạ dày- ruột cũng như sự đi qua của vi khuẩn, kháng nguyên từ ruột vào máu. Vai trò này có tác dụng làm giảm nhiễm trùng và giảm dị ứng với kháng nguyên trong thực phẩm.

Các vi sinh vật và các kháng nguyên cư trú trên bề mặt nhầy của đường dạ dày - ruột, hoặc đi qua đường dạ dày- ruột để tương tác với các thành phần của hệ miễn dịch. Sự tương tác này đóng vai trò tiên quyết để kích thích hệ miễn dịch hoạt động tối thích. Hệ vi sinh vật ruột ổn định có tác dụng tăng cường sức đề kháng của hệ dạ dày- ruột, kích thích sản xuất IgA dạng nhầy, kích thích việc sản sinh tại chỗ các cytokines chống viêm nhiễm và giảm sự sản sinh ra loại cytokines tiền viêm, đặc trưng cho quá trình viêm nhiễm dị ứng (Kliegman và Willoughby, 2005). Qua cuộc khảo sát về những nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng probiotics trong dị ứng thức ăn, viêm da di truyền (atopic dermatitis), và phòng ngừa tiền khởi trong dị ứng di truyền (atopy), kết quả cho thấy điều trị bằng probiotics làm giảm sự viêm dị ứng cũng như có tác dụng phòng ngừa tiền khởi trong dị ứng di truyền dựa trên những triệu chứng lâm sàng; làm giảm những dấu hiệu viêm tại chỗ cũng như trên toàn cơ thể (Miraglia del Giudice, 2004).

Quá trình trao đổi chất của vi sinh vật đường ruột cung cấp nguồn năng lượng quan trọng cho thành ruột, cung cấp đến 50% năng lượng hàng ngày cho tế bào biểu mô ruột kết (colonocytes) bằng cách lên men carbohydrates thành axit hữu cơ, chủ yếu là buryrate, trong trường hợp trẻ em bú mẹ là lactate. Những ích lợi rõ ràng đối với sức khỏe do probiotics mang lại là giảm các triệu chứng về suy hấp thụ lactose, kích thích tiêu hóa, kìm hãm chất gây ung thư và giảm hàm lượng cholesterol trong máu (Collins và Gibson, 1999).

Nguồn: Suckhoedoisong

Chia sẻ:

Viết Bình luận