Tiêu chuẩn ECOCERT qua sự giải thích của Laure POULIQUEN - Cosmetic Technical Manager

Nhân chuyến đi công tác tại hội chợ hữu cơ tại Châu Âu, một thành viên của Leaf Organic đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với Laure POULIQUEN - Cosmetic Technical Manager của tổ chức Ecocert Greenlife xung quanh một số thắc mắc mà ngừoi tiêu dùng hữu cơ của Việt nam đang có xung quanh tiêu chuẩn này. 
 
Chị có thể cho tôi biết sự khác nhau giữa chuẩn chứng nhận hữu cơ USDA và Ecocert ?
Sự khác biệt cụ thể nhất là USDA không đưa thành phần nước và các chất khoáng (muối, đất sét...) vào danh sách tính tỉ lệ chứng nhận hữu cơ. Đối với Ecocert, tỉ lệ thành phần hữu cơ được tính trên tổng các thành phần, và tất nhiên là có nước, muối, chất khoáng tự nhiên... nếu trong sản phẩm có các thành phần đó.
 
USDA chứng nhận các thành phần nguồn gốc nông nghiệp có trong sản phẩm là hữu cơ, bất kể sản phẩm đó là thực phẩm hay mỹ phẩm. Các thành phần khác trong mỹ phẩm chỉ cần đáp ứng đúng chuẩn cho phép của công nghiệp mỹ phẩm Mỹ.
 
Trong khi đó Ecocert Greenlife là tổ chức chuyên chứng nhận mỹ phẩm hữu cơ. Chúng tôi đặt ra các chuẩn cụ thể đối với thành phần nguồn gốc nông nghiệp hữu cơ và các thành phần khác cần thiết và quan trọng đối với viêc chăm sóc da an toàn, lành tính và thân thiện môi trường. 
 
Thực phẩm và Mỹ phẩm là hai lĩnh vực khác nhau. Ở Châu Âu, và cụ thể hơn là tại Pháp, chúng tôi làm việc theo lĩnh vực để việc đề ra các tiêu chuẩn và kiểm định được hoạt động theo quy trình một cách tối ưu, hiệu quả và chính xác nhất. 
 
Chúng tôi nghe nói tỉ lệ thành phần nước trong tiêu chuẩn hữu cơ USDA thường thấp hơn so với tỉ lệ nước có trong các sản phẩm chứng nhận hữu cơ bởi Ecocert ?
Các bạn đừng "nghe nói" mà nên tìm hiểu tính xác thực từ các nguồn. Theo tôi nghĩ, việc tỉ lệ cụ thể thành phần nước có trong từng sản phẩm thuộc về bí mật công thức sản xuất ra sản phẩm đó. Bạn sẽ khó có được tỉ lệ chính xác này từ nhà sản xuất chứ đừng nói từ USDA. Bạn có thể hỏi trực tiếp họ như đang làm với tôi để có được thông tin chính xác và hợp pháp nhất nhé.
 
Về cấp độ chứng nhận, Ecocert có những cấp độ nào ?
Chúng tôi chứng nhận sản phẩm hữu cơ Organic Cosmetics và sản phẩm tự nhiên Natural Cosmetics theo chuẩn Ecocert (Ecocert Standards) . Nhưng từ năm ngoái (2016) chúng tôi có thay đổi về chuẩn chứng nhận hữu cơ. Bạn sẽ nghe nói nhiều hơn về chuẩn hữu cơ Cosmos Organic và chuẩn tự nhiên Cosmos Natural. Mục đích của label này là giúp người tiêu dùng Châu Âu có được chuẩn hữu cơ chung thay vì phải tìm hiểu từng chuẩn hữu cơ của từng nước một như  Ecocert (Pháp), Cosmébio (Pháp), BDIH (Đức), ICEA (Ý), Soil Association (Anh)....
 
Có sự khác biệt gì giữa chuẩn hữu cơ Cosmos Organic và Organic Cosmetics cũ của Ecocert Greenlife?
Sự khác biệt rõ nhất là, đối với các sản phẩm có chứa nước, tỉ lệ các thành phần hữu cơ trên tổng thành phần, tôi nhấn mạnh ở từ TỔNG THÀNH PHẦN, bao gồm cả nước các chất nguồn gốc khoáng, phải là ít nhất 20% để có được logo Cosmos Organic chứ không phải 10% như chuẩn Organic Cosmetics của Ecocert Greenlife. 
Thêm vào đó các thành phần không có tính phân huỷ sinh học cũng sẽ không được chấp nhận. 
 
Một câu hỏi cuối cùng, tại sao lại có hai cấp độ chứng nhân hữu cơ và chứng nhận tự nhiên?
Để tạo thêm lựa chọn và tiêu chí của người tiêu dùng. Bạn cũng biết một sản phẩm tự nhiên không có nghĩa là không tốt. Nhưng tự nhiên như thế nào để đủ an toàn, lành tính cho con người và môi trường sinh thái ? Vì thế chúng ta cần đề ra các tiêu chuẩn cụ thể. 
 
Cám ơn chị đã dành thời gian.....
 
 Chị Mai Nguyễn - giám đốc xuất nhập khẩu  và  Laure POULIQUEN - Cosmetic Technical Manager của tổ chức Ecocert Greenlife  vào tháng 02/2017

 

Chia sẻ:

Viết Bình luận