Mẹo giúp bé bớt khó chịu khi mọc răng
Bạn có thể dùng tay để massage nhẹ nứu răng để bé đỡ đau nhức. Lúc này nứu bé đang bị sưng nên mẹ phải rửa tay tiệt trùng để tránh lây lan vi khuẩn gây viêm nứu bé.
Dấu hiệu xuất hiện của chiếc răng đầu tiên
Thông thường bé sẽ mọc răng khi được 6 tháng tuổi nhưng một số bé có thể trễ hơn. Điều này hoàn toàn bình thường nên các mẹ có thể yên tâm. Dấu hiệu nhận biết bé sắp bước vào thời kỳ “răng cỏ” là bé thích gặm bất cứ thứ gì từ ngón tay đến ti mẹ, từ món đồ chơi đến vật nào “vớ được” do ngứa nứu.
Bé cũng khóc quấy hơn trước do cảm thấy khó chịu trong người. Những chiếc răng “lăm le” mọc lên làm bé trở nên biếng ăn. Bé chảy nước dãi rất nhiều, nứu cũng có thể bị sưng to hơn mức bình thường kèm theo triệu chứng sốt.
Thông thường, 2 chiếc răng hàm dưới của bé sẽ xuất hiện trước, tiếp theo là 2 chiếc ở hàm trên. Đến năm 3 tuổi, răng bé mới mọc hoàn chỉnh.
Một điều tuyệt vời trong giai đoạn này là bé cũng sẽ phát âm ra những tiếng “a a” rồi từ từ hình thành tiếng “ba” mà các bà mẹ, ông bố đang mong đợi. Theo một nghĩa nào đó, mọc răng là “bước ngoặt” đánh dấu sự phát triển của bé.
Giúp bé xua tan cơn khó chịu
Rất khó để bé không cảm thấy đau khi mọc răng tuy nhiên có thể giảm thiểu cơn đau cho bé bằng nhiều phương pháp:
Giải tỏa ức chế: Cho bé “măm” bánh quy chuyên dành cho trẻ mọc răng hay vòng nhựa cao su mềm loại chuyên dụng để bé tự xoa dịu cơn đau cho mình.
Đóng băng cơn đau: Một miếng táo ướp lạnh có thể giúp phong tỏa cơn đau tạm thời cho bé vì làm tê nứu, ức chế được cơn đau. Khi bé đang mọc răng, mẹ nên chuẩn bị nhiều loại trái cây ướp lạnh để sẵn vừa giúp bé bổ sung vitamin, vừa giảm đau hiệu quả.
Massage nứu răng: Mẹ có thể dùng tay để massage nhẹ nứu răng để bé đỡ đau nhức. Lưu ý lúc này nứu bé đang bị sưng nên mẹ phải rửa tay tiệt trùng để tránh lây lan vi khuẩn gây viêm nứu bé. Các mẹ cũng có thể tìm mua các loại bàn chải chuyên dụng massage dành cho bé mọc răng. Massage nhẹ nhàng và quan sát thái độ của bé để xem bé đã dễ chịu hơn chưa. Chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn.
Giúp bé ăn ngon: Vì nứu sưng cùng cảm giác khó chịu, bé có khi sẽ “chẳng chịu ăn uống gì cả”. Lúc này, bạn cần hạn chế tối đa những loại thức ăn, đồ vật cứng có thể làm đau nứu của bé. Cho bé bú sữa mẹ, uống sữa, ăn bột nấu chín xay thật nhuyễn để bé dễ nuốt và tiêu hóa tốt..
Phân tán sự chú ý: Mẹ cũng có thể giúp bé quên đi cơn đau bằng cách phân tán sự chú ý của trẻ. Thu hút bé bằng những trò chơi thú vị, nói những lời ngọt ngào với trẻ, bế trẻ trên tay đu đưa, cho bé nghe những loại nhạc êm dịu… cũng là những cách hay để giúp bé quên đi sự khó chịu của mình.
Các mẹ cũng nên lưu ý chỉ sử dụng thuốc giảm đau cho bé khi có chỉ định của bác sĩ. Khi những chiếc răng đã xuất hiện, mẹ càng nên lưu ý đến việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ. Dùng gạc thấm nước ấm lau sạch răng sau khi bé ăn và trước khi đi ngủ. Khi bé mọc nhiều răng hơn, mẹ nên dùng bàn chải và một lượng nhỏ kem đánh răng dành cho trẻ em để chải sạch răng cho bé.
Nguồn: Tổng hợp
- 0 Bình luận