Nhân dịp tham gia buổi thảo luận về mụn trứng cá ở tuổi thành niên trên đài radio BEL RTL, Julien Kaibeck, chuyên gia trị liệu hương thơm nổi tiếng của Bỉ và Pháp, đã viết một bài phân tích và đưa ra các giải pháp trị liệu thiên nhiên cho vấn đề liên quan đến mụn trứng cá. Bài viết sẽ đề cập đến các loại tinh dầu, thành phần không thể thiếu trong việc điều trị mụn acne bởi chúng có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, phục hồi và củng cố da rất cao. Hãy cùng lắng nghe anh ấy nhé !
Trước hết bạn nên tự đặt câu hỏi : bạn có thật sự bị mụn trứng cá hay không?
Bởi không phải vì thỉnh thoảng bạn có một “bạn” mụn “viếng thăm" mà bạn đã nghĩ là mình bị mụn trứng cá (acne).
Mụn trứng cá (acne) là một bệnh lý về da và cần được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ da liễu. Mụn trứng cá có thể bắt nguồn từ nhiều lý do và phương pháp điều trị có thể khác nhau tuỳ theo mỗi người. Vì thế việc cần làm đầu tiên rất quan trọng là bạn phải đi khám bác sĩ.
Còn nếu thỉnh thoảng trên mặt bạn nổi một mụn thì đó có thể đơn giản chỉ là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn, khiến cho lượng sebum bị chảy ngược vào nang lông, cộng với vi khuẩn sẵn có, nang lông bị ứ đọng nên vỡ ra và gây ra hiện tượng viêm nhiễm, sưng tấy đỏ. Lời khuyên của tôi trong trường hợp này? Bạn không nên đụng vào nó.
Mẹo nhỏ của tôi trong việc chữa trị mụn : Bạn có thể cho một ít tinh dầu có tính kháng viêm và xoa dịu lên mụn như tinh dầu oải hương lavandin, true lavender hoặc niaouli. Bạn có thể áp dụng 1 giọt tinh dầu 6 lần trong ngày (24 tiếng) và sẽ ngạc nhiên về hiệu quả của chúng .
Mụn trứng cá acne - Bệnh viêm da với nhiều triệu chứng
NGUYÊN NHÂN CỦA MỤN TRỨNG CÁ, là sự tổng hợp từ nhiều tác nhân :
Khi cơ thể đến tuổi dậy thì, các hoocmon androgen hoạt động mạnh mẽ hơn khiến cho lượng sản xuất bã nhờn sebum nhiều hơn.
Tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn đồng nghĩa với việc da bị nhờn hơn, màng hydrolipidic bị mất cân bằng. Độ pH của làn da bình thường là “axit", khi có nhiều chất nhờn da trở nên dầu và có tính kiềm cao.
Độ pH không đủ axit ? Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn hoại sinh (Saprophytic bacterium) , vốn xuất hiện trên bề mặt của da, được phát triển mạnh mẽ. Một trong những vi khuẩn hoại sinh đó có tên gọi Propionibacterium acnes, là nguyên nhân gây ra bệnh mụn acne.
Vi khuẩn được nuôi dưỡng bằng các chất nhờn tiết ra và các tế bào sừng keratine, có thể khiến cho da bị hiện tường tăng sừng hoá (hyperkeratose). Các lớp sừng trở nên dày hơn và làm bít lỗ chân lông. Từ đó làm xuất hiện mụn đầu đen.
Lượng sebum được tiết ra không thể thoát ra bởi lỗ chân lông nên chảy ngược vào nang lông. Vách nang lông bị ứ đọng nên vỡ ra.
Các chất nhờn và vi khuẩn tích tụ trong nang lông tràn ra ngoài, gây nên hiện tượng viêm nhiễm, sưng tấy đỏ.
Bây giờ hãy cùng tôi tìm hiểu một vài phương pháp tự nhiên hỗ trợ chữa trị mụn acne nhé !
– Phương pháp làm giảm hoạt động hoặc giảm sản xuất các hoócmon androgene : Thật ra thì không có nhiều phương pháp để giải quyết vấn đề này cho lắm. Các bạn nữ có thể sử dụng viên uống tránh thai Diane. Viên uống tránh thai giúp giảm hoạt động của hoocmon androgene. Trong lĩnh vực trị liệu hương thơm, tinh dầu xô thơm salvia sclarea (sauge sclarée) được biết đến với đặc tính “oestrogene-like", có thể được sử dụng bằng cách uống 2 giọt tinh dầu salvia sclarea hoà tan với 1 muỗng mật ong trong 1 ngày. Bạn cũng có thể thêm tinh dầu xô thơm vào hỗn hợp làm mỹ phẩm của mình (nhớ đừng cho quá 1,5% lượng tinh dầu). Theo các chuyên gia trong ngành trị liệu tự nhiên (naturotherapy) khuyên trong vài trường hợp bạn có thể dùng viên men bia (levure de bière) hoặc hoa bia (Humulus lupulus/houblon) như phương pháp hỗ trợ.
– Phương pháp làm giảm lượng sản xuất bã nhờn: Đôi lúc việc sử dụng các viên bổ sung kẽm là cần thiết. Kẽm là nguyên tố vi lượng có khả năng làm giảm lượng bã tiết ra, hạn chế viêm nhiễm và kích thích liền sẹo. Kẽm cũng là thành phần không có tính chất bắt nắng, không gây phản ứng phụ nên cũng hay được sử dụng bởi các mẹ bầu bị mụn trứng cá hay những ai muốn theo liệu trình trị acne trong mùa hè. Kẽm được bổ sung dưới dạng viên trong vòng 3 tháng, dùng giữa các bữa ăn hoặc trước khi ăn sáng. Đắp mặt nạ bằng đất sét trắng (cao lanh - kaolin) khoảng 3 lần/tuần cũng làm giảm thiểu lượng sebum tiết ra.
– Phương pháp làm tăng tính axit của độ pH : Bạn nên rửa sạch mặt vào mỗi sáng với dung dịch có độ pH axit. Không nên rửa mặt với xà bông cục thông thường, ngay cả xà bông Alep hay xà bông Marseille vì độ pH của chúng không phải là axit. Bạn nên chọn các loại dung dịch không xà phòng, nước cất hoặc lotion có chứa citric acid, axit trái cây (AHA - Alpha Hydroxy Acides), tinh dầu… Trước khi mua một sản phẩm bạn nhớ tìm hiểu về độ pH của nó. Độ pH từ 5,5 đến 6,5 là ổn.
– Phương pháp loại bỏ các vi khuẩn : Thường thì các chuyên gia da liễu kê đơn cho bạn thuốc đắp kháng khuẩn, ví dụ như benzoyl peroxid được sử dụng trong việc điều trị mụn nhẹ. Tuy nhiên các thành phần này, thường là thành phần tổng hợp, dễ gây ra phản ứng phụ không mong muốn (khô da, ngứa da, bắt nắng…). Đối với những trường hợp mụn acne nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn cho thuốc kháng sinh, kết hợp với retinoide. Chúng rất hiệu quả cho việc trị mụn nhưng làm da bị ảnh hưởng rất nặng (khô da, da bị kích ứng và trở nên mẫn cảm, bắt nắng…). Hơn nữa việc sử dụng kháng sinh này giúp cho vi khuẩn tăng tính đề kháng về lâu dài.
Ngược lại với chúng, các loại tinh dầu có đặc tính kháng viêm kháng khuẩn cực kỳ hiệu quả và giúp bạn trong việc chăm sóc da hằng ngày. Bạn có thể dùng 2 viên tinh dầu origan/ngày như một chất kháng sinh tự nhiên. Tinh dầu có thể được sử dụng bổ trợ cho thuốc, dược phẩm hoặc có thể được dùng để thay thế chúng. Hằng ngày bạn có thể chăm sóc da tránh mụn với các tinh dầu oải hương, gỗ hồng, geranium rosat, tea tree, niaouli hoặc palmarosa. Bạn có thể tham khảo công thức làm serum dưỡng da chống và trị mụn, dùng vào buổi sáng, như sau : 20ml dầu jojoba + 4 giọt tinh dầu oải hương true lavender + 4 giọt tinh dầu tea tree + 4 giọt tinh dầu oải hương lavendin.
Lưu ý về thành phần RETINOIDE :
Trong trường hợp mụn acne nặng, bác sĩ da liễu thường kê đơn chữa trị với các loại thuốc chứa thành phần retinoide (một dạng của retinol, vitamin A). Các loại thuốc đắp lên da chứa retinoide có tính chất tẩy tế bào da, giải phóng các lỗ chân lông bị ách tắc và chống viêm. Chúng thường được kê chung với thuốc kháng sinh.
Một trong những thành phần retinoide nổi tiếng có tên gọi isotretinoine, được biết đến dưới tên thương mại Roaccutane. Việc điều trị với isotretioine phải được theo dõi và áp dụng rất nghiêm ngặt, có nhiều chống chỉ định và phản ứng phụ, nặng nhất là ảnh hưởng đến thần kinh.
Phương pháp trị liệu tự nhiên (naturotherapy) là một phương pháp bổ trợ rất tốt và có thể thay thế phương pháp y học thông thường. Ví dụ : để tạo ra hiệu ứng như chất isotretioine, nhiều loại tinh dầu được kết hợp với nhau tạo tính chất chống viêm nhiễm và xoa dịu làn da (oải hương, tràm trà tea tree, ylang ylang, cúc, patchouli, citrus aurantium…).
Phương pháp trị liệu tự nhiên bổ sung thêm những gì?
Các chuyên gia trị liệu tự nhiên khuyên rằng những bạn bị mụn acne nên thanh lọc cơ thể, hỗ trợ các cơ quan bài tiết được hoạt động tốt hơn, cụ thể là gan, để đẩy các độc tố, vi khuẩn trong cơ thể ra ngoài. Bạn có thể tham khảo các loại thảo dược như bồ công anh (pissenlit - taraxacum officinale), a ti sô, cây ngưu bàng (bardane - arctium) , cây kế sữa (Silybum Marianum), hoa pensée hoang dại… và dùng chúng dưới dạng trà ngâm, nước uống, chiết xuất khô. Phương pháp trị liệu chồi non (gemmotherapy) ví dụ như chồi non của cassis cũng rất hiệu quả trong công cuộc chống mụn acne.